Wednesday, November 13, 2013

Các tiểu thương chợ Long Khánh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức đối thoại lại

Như đã đưa tin, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi đối thoại lần 2 với tiểu thương chợ Long Khánh vào ngày 26/9/2013. Tuy nhiên, đây không là buổi đối thoại đúng nghĩa. Trong buổi "đối thoại" này, sau khi UBND tỉnh trình bày xong các nội dung định sẵn, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đã thông báo chấm dứt giải quyết thắc mắc, kiến nghị của các tiểu thương liên quan đến Quyết định 2448/QĐ.CT.UBT công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh. Sau thông báo này, ông Nguyễn Thành Trí và các đại diện của các sở, ngành đã bỏ về mà không tiếp nhận ý kiến phản hồi của các tiểu thương. 

Từ đó đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai chưa ra quyết định nào về việc chấm dứt giải quyết khiếu nại, nên có thể xem việc chấm dứt giải quyết khiếu nại như thông báo của ông Nguyễn Thành Trí trong buổi "đối thoại" lần 2 là không chính thức. Thêm vào đó, việc các cán bộ của UBND tỉnh bỏ về bất chấp ý kiến của các tiểu thương trong buổi "đối thoại" này là không chấp nhận được.

Vì vậy, vào ngày 11/11 vừa qua, các tiểu thương đã gửi thư tới ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tổ chức đối thoại lại. Theo thư yêu cầu của các tiểu thương, "buổi đối thoại lại phải dựa trên nguyên tắc thiện chí, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác, hầu mong có thể giải quyết các vấn đề một cách thỏa đáng, thấu đáo, và đúng pháp luật".

13/11/2013
Nhóm Hồ Sơ Long Khánh



Biên nhận của bưu điện nơi gửi

Thursday, October 24, 2013

Tiểu thương chợ Long Khánh tố cáo UBND tỉnh Đồng Nai


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__oOo__


Đồng Nai, ngày 19 tháng 10 năm 2013,


ĐƠN TỐ CÁO

(V/v: UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật, và không giải quyết thỏa đáng khiếu nại của chúng tôi)

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Chúng tôi, gồm những người có tên dưới đây:
  1. Đỗ Thị Ngọc Nguyên
  2. Nguyễn Thị Thanh
  3. Lê Thị Kim Thanh
  4. Đặng Thị Liên
  5. Vũ Văn Truy
Là đại diện của 71 tiểu thương chợ Long Khánh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Nay tố cáo UBND tỉnh Đồng Nai về việc:
  1. Ban hành Quyết định 2448/QĐ.CT.UBT công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh trái pháp luật.
  2. Không giải quyết thỏa đáng khiếu nại của chúng tôi, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi.
 Nội dung sự việc:  

Chợ Long Khánh, thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vốn được di dời từ chợ Xuân Lộc cũ, thuộc thị trấn Xuân Lộc vào năm 1980. Các tiểu thương chúng tôi hồi đó khi di dời từ chợ cũ sang chợ mới đã tự san lấp mặt bằng, đóng tiền góp vốn để nhận diện tích đất và làm cơ sở hạ tầng. Mỗi tiểu thương phải tự xây dựng nhà phố chợ, ki-ốt độc lập theo mô hình thiết kế của UBND thị trấn, huyện vào các năm 1987 – 1990.

Do tin tưởng vào chính quyền địa, chúng tôi đã không đòi hỏi chính quyền địa phương giấy tờ gì về quyền sử dụng đất từ năm 1980 đến khi có tranh chấp vào năm 2008. Dù vậy, chúng tôi có các giấy tờ cho thấy đã sử dụng trực tiếp đất chợ một cách ổn định, đúng mục đích trong thời gian dài (như biên lai thuế nhà đất, biên lai thuế môn bài, cùng một số giấy tờ khác).

Vào năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định 2448/QĐ.CT.UBT về việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ mà không thu hồi đất từ chúng tôi, đồng thời không thông báo cho chúng tôi, vi phạm Điều 21 và Điều 28 Luật Đất đai 1993 vào thời điểm đó đang có hiệu lực thi hành.

Vào năm 2008, chúng tôi mới biết được Quyết định 2448 khi UBND tỉnh bán đấu giá quyền sử dụng đất chợ Long Khánh để xây mới.

Chúng tôi đã yêu cầu được bồi thường đất nhưng UBND thị xã Long Khánh không chấp nhận, dù chúng tôi có đủ điều kiện để được bồi thường đất do có các giấy tờ cho thấy đã sử dụng trực tiếp đất chợ một cách ổn định, đúng mục đích trong thời gian dài (như đã nêu trên), căn cứ vào khoản 6, Điều 8, Nghị định 197/2004/ NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Chúng tôi cũng yêu cầu được bố trí tái định cư và hoán đổi kiến trúc kinh doanh nhưng không được đáp ứng. UBND thị xã chỉ bồi thường nhà, công trình, tài sản gắn liền với đất trong khi khoản bồi thường này chỉ là một con số khiêm tốn (từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng). Nhiều tiểu thương đã không nhận bồi thường do không chấp nhận cách giải quyết phi lý của UBND thị xã.

Vào năm 2010, UBND thị xã đã ra quyết định cưỡng chế di dời nên chúng tôi buộc phải chuyển ra kinh doanh tại chợ tạm.

Đến nay, chợ mới đã được xây xong. Sắp tới, theo dự kiến, UBND thị xã sẽ tổ chức bốc thăm cho các hộ tiểu thương để vào kinh doanh tại chợ mới. Trong khi đó, để vào kinh doanh tại chợ mới, chúng tôi phải trả tiền kiến trúc kinh doanh với giá rất đắt đỏ (chừng 300 triệu cho ki-ốt trên 10m2).

Trước những quyết định và những việc làm sai trái của chính quyền địa phương, chúng tôi đã kiến nghị, khiếu nại nhiều lần, nhiều nơi trong 5 năm qua, kể từ năm 2008.

Vào ngày 15/7/2013, chúng tôi đã có buổi đối thoại đầu tiên với UBND tỉnh Đồng Nai. Trong buổi đối thoại, chúng tôi đã nêu các ý kiến về Quyết định 2448. Do còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, nên hai bên đã thống nhất sẽ có buổi đối thoại tiếp theo sau khi có kết quả rà soát và đầy đủ thông tin chính xác về các vấn đề liên quan đến Quyết định 2448. Điều này đã được ghi rõ trong biên bản làm việc đề ngày15/7/2013 mà chúng tôi đính kèm theo thư này.

Theo thống nhất đó, trong buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngày 14/8/2013, chúng tôi đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về quyền sử dụng đất của các tiểu thương và bản ý kiến về Quyết định 2448. Hồ sơ, tài liệu và bản ý kiến này đã được trao cho ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và được ghi nhận trong biên bản làm việc cùng ngày. Bản ý kiến và biên bản cũng được đính kèm tại đây.

Gần đây nhất, vào ngày 26/9/2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã đối thoại lần hai với chúng tôi. Trong buổi đối thoại, ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường đã trình bày kết quả rà soát về Quyết định 2448, trong đó bác tất cả các ý kiến của chúng tôi về quyết định này. Ông khẳng định quyết định này là đúng pháp luật và không ảnh hưởng tới việc buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương. Tiếp đó, ông Nguyễn Thành Trí đã nêu kết luận khẳng định Quyết định 2448 là đúng pháp luật, đồng thời, thông báo chấm dứt giải quyết thắc mắc, kiến nghị của chúng tôi liên quan đến quyết định và tuyên bố kết thúc buổi đối thoại.

Thông báo của ông Nguyễn Thành Trí đã khiến chúng tôi bất ngờ. Khi đó, một trong các đại diện tiểu thương đã đứng lên đặt câu hỏi cho ông Nghiêm Sỹ Minh về một điểm trong nội dung trình bày của ông Đặng Minh Đức nhưng ông Nghiêm Sỹ Minh từ chối trả lời với lý do ông chỉ là người quan sát còn việc giải quyết là của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Ngay sau đó, các đại diện của chính quyền đã rời sân khấu hội trường và ra về, bất chấp một trong hai đại diện theo ủy quyền của chúng tôi đề nghị có ý kiến. Buổi làm việc kết thúc sau chừng 30 phút (từ 14h10 đến 14h45) không có biên bản theo thủ tục thông thường.

Trong buổi đối thoại, chúng tôi chưa được nêu các vấn đề liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của chúng tôi khi Nhà nước thu hồi đất, cũng chưa nêu được những mối lo ngại khi vào chợ mới liệu có an toàn, vì chợ mới bị rạn nứt.

Tóm lại, việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 2448 mà không có quyết định thu hồi đất từ chúng tôi, và cũng không bồi thường đất cho chúng tôi, là trái pháp luật, đồng thời, việc UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết khiếu nại như trên là không thỏa đáng, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của chúng tôi.

Yêu cầu giải quyết:

Qua phần trình bày trên đây, chúng tôi đề nghị Thủ tướng xem xét việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 2448/QĐ.CT.UBT về việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh, đồng thời có phương hướng chỉ đạo giải quyết vụ việc của chúng tôi để quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi được bảo đảm.

Trân trọng,


Các đại diện tiểu thương

(đã ký)


Các tài liệu đính kèm:

1. Biên bản làm việc ngày 15/7 với UBND tỉnh Đồng Nai
2. Biên bản làm việc ngày 14/8 với Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Đồng Nai
3. Bản ý kiến về Quyết định 2448/QĐ.CT.UBT

Biên nhận của bưu điện nơi gửi

Sunday, October 6, 2013

Phản hồi bài viết trên báo Tuổi Trẻ về buổi đối thoại giữa UBND tỉnh Đồng Nai và tiểu thương chợ Long Khánh

Tiểu thương chợ Long Khánh nán lại hội trường sau khi các quan chức ra về

Vào tối ngày 26/9, báo Tuổi Trẻ Online có bài viết Chấm dứt giải quyết khiếu nại của tiểu thương chợ Long Khánh nói về buổi đối thoại lần hai giữa UBND tỉnh Đồng Nai và các tiểu thương chợ Long Khánh.

Đáng tiếc là, bài viết đã nêu sự việc một cách không khách quan. Những điều được nêu trong bài viết hoàn toàn là quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai. Bài viết này về cơ bản không khác với một bài viết được đăng trên Báo Đồng Nai điện tử về cùng chủ đề.

Sau đây là một số điểm không sát thực hoặc không khách quan trong bài viết:

1. Bài viết nói: "Từ năm 2007 khi bắt đầu tổ chức xây dựng chợ đã có một bộ phận tiểu thương không đồng thuận, đi khiếu nại về việc thu hồi đất làm chợ."

Thực tế là, từ năm 2007, khi chợ mới bắt đầu được xây dựng, hầu như là tất cả tiểu thương đều không đồng thuận. Nhiều người trong số họ đã khiếu nại từ năm 2008 sau khi biết UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ Long Khánh vào năm 2002 qua Quyết định 2448. Tuy nhiên, những người kiên nhẫn khiếu nại cho đến nay chỉ còn lại 71 người.

Trong thời gian đầu, nhiều luật sư và nhà báo đã vào cuộc. Song vì những lý do nào đó, họ đã rút lui. Các tiểu thương cho biết một luật sư từng hỗ trợ họ về sau đã thay đổi và đứng về phía chính quyền địa phương. Một số tờ báo như Công An TP. HCM, Pháp luật & Đời sống đã từng đưa tin về sự việc nhưng sau đó đã dừng lại.

2. Bài viết nói: "Tỉnh đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải quyết những vấn đề tiểu thương còn thắc mắc."

Thực tế là, buổi đối thoại vừa qua vào ngày 26/9 mới chỉ là buổi đối thoại lần hai, sau buổi đối thoại lần đầu vào ngày 15/7. Như vậy, không thể nói tỉnh đã nhiều lần tổ chức đối thoại khi mới chỉ tổ chức đối thoại một lần trước đó.

3. Bài viết nói: "Gần đây tiểu thương tiếp tục khiếu nại, đã cung cấp thêm tài liệu nhưng các cơ quan chức năng qua xem xét thấy không có gì mới."

Đúng là hầu như các hồ sơ tài liệu mà các tiểu thương cung cấp không có gì mới. Nhưng những hồ sơ tài liệu đó là chứng cứ cho thấy họ đã sử dụng đất ổn định, lâu dài từ trước ngày 15/10/1993. Theo đó, căn cứ vào khoản 6, Điều 8, Nghị định 197/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... thì các tiểu thương có quyền được bồi thường đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã bác yêu cầu được bồi thường đất của các tiểu thương. Như vậy, UBND tỉnh đã vi phạm pháp luật về đất đai.

4. Bài viết nói: "Sau khi tỉnh Đồng Nai thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tiểu thương tiếp tục yêu cầu đại diện Thanh tra Chính phủ trả lời."

Đúng là sau khi ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, người chủ trì buổi đối thoại, thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại thì một tiểu thương đã yêu cầu ông Nghiêm Sỹ Minh, đại diện Thanh tra Chính phủ trả lời.

Thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại được đưa ra một cách bất ngờ sau khi ông Nguyễn Thành Trí đọc kết luận về việc giải quyết khiếu nại. Với tư cách là người chủ trì, ông không hỏi các tiểu thương ý kiến của họ về kết luận này cũng như phần trình bày của ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường về Quyết định 2448.

Trước động thái bất ngờ đó, một tiểu thương đã đứng lên yêu cầu ông Nghiêm Sỹ Minh trả lời về một điểm trong phần trình bày kết quả rà soát của ông Đặng Minh Đức về Quyết định 2448. Câu hỏi của tiểu thương này là có quy định nào nói rằng đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng đang có người sử dụng khi được giao cho người khác thì cơ quan có thẩm quyền không cần ra quyết định thu hồi đối với đất đó hay không? Trả lời của ông Nghiêm Sỹ Minh trước câu hỏi này, rằng UBND tỉnh đã trả lời [trong khi thực tế đây là câu hỏi mới và đặt ra vấn đề mới (**)], còn ông đến đây với tư cách quan sát viên của Chính phủ, là một câu trả lời trốn tránh và vô trách nhiệm.

Căn cứ vào Điều 21 của Luật Đất đai 1993 (có hiệu lực thi hành vào thời điểm UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 2448), thì "Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó." Như vậy, trước khi ra Quyết định 2448, UBND tỉnh Đồng Nai phải ra quyết định thu hồi đất đối với các tiểu thương chợ Long Long Khánh vì họ là những người đang sử dụng đất. Không thể nại ra lý do rằng người đang sử dụng đất ở điều này phải có quyền sử dụng đất [chẳng hạn, thông qua quyết định giao đất (**)] thì cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết định thu hồi đất trước khi giao đất cho người khác, bởi Luật Đất đai 1993 không có quy định nào như vậy.

Tóm lại, tác giả bài viết, bút danh HMi, của báo Tuổi trẻ đã đưa tin một chiều và không khách quan. Bài viết của tác giả gần như là một bản sao của bài viết cùng chủ để trên Báo Đồng Nai điện tử (xem link ở trên). Cần nói thêm rằng, mặc dù được gọi là buổi đối thoại, nhưng đây không phải là buổi đối thoại đúng nghĩa. Các quan chức đã ra về sau khi người chủ trì thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại bất chấp các tiểu thương có ý kiến. Thậm chí, nhà vệ sinh bên hông hội trường nơi tổ chức đối thoại đã bị khóa cửa khi các tiểu thương nán lại tại hội trường. Cách hành xử của UBND tỉnh Đồng Nai không những vô trách nhiệm, mà còn thể hiện tầm văn hóa quan chức rất thấp.

Vì những lẽ trên, chúng tôi, những người đại diện theo ủy quyền của các tiểu thương chợ Long Khánh yêu cầu báo tác giả HMi của báo Tuổi Trẻ cũng như báo Tuổi Trẻ rút kinh nghiệm, tránh một chiều, để có thể thông tin một cách sát thực, khách quan theo đúng tinh thần của người làm báo chân chính và tờ báo chân chính. 

Sài Gòn, 06/10/2013
Nhóm Hồ Sơ Long Khánh

Liên hệ: hosolongkhanh@gmail.com

(*)(**): Giải thích của người viết

Thursday, October 3, 2013

Hình ảnh tiểu thương chợ Long Khánh sau buổi "đối thoại" ngày 26/9

Dưới đây là các hình ảnh tiểu thương chợ Long Khánh sau buổi "đối thoại" lần hai do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. Các hình được chụp bên trong hội trường (các hình 1 đến 4) và bên ngoài (các hình 5 đến 10) thư viện tỉnh Đồng Nai.  

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

Monday, September 30, 2013

Biên bản buổi "đối thoại" lần hai giữa UBND tỉnh Đồng Nai và tiểu thương chợ Long Khánh

Như đã đưa tin, buổi "đối thoại" lần hai giữa UBND tỉnh Đồng Nai và các tiểu thương chợ Long Khánh không có biên bản làm việc theo thủ tục thông thường. Các tiểu thương đã tự lập biên bản có chữ ký của các đại diện. Dưới đây là 6 trang biên bản được ghi lại bởi tiểu thương chợ Long Khánh.

Biên bản trang 1

Biên bản trang 2

Biên bản trang 3

Biên bản trang 4

Biên bản trang 5

Biên bản trang 6

Sài Gòn, 30/09/2013
Nhóm Hồ Sơ Long Khánh

UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức "đối thoại" lần hai với tiểu thương chợ Long Khánh


Vào ngày 26/9, các tiểu thương chợ Long Khánh đã có buổi đối thoại thứ hai với UBND tỉnh Đồng Nai, sau khi đã có buổi đối thoại thứ nhất vào ngày 15/7buổi tiếp xúc với Sở Tài nguyên & Môi trường vào ngày 14/8.

Cũng như buổi đối thoại trước, trong buổi đối thoại này, đại diện của các tiểu thương gồm 7 người (5 tiểu thương và 2 người đại diện theo ủy quyền, gồm chị Nguyễn Trang Nhung và anh Phạm Lê Vương Các) và đại diện của UBND tỉnh gồm các ông Nguyễn Thành Trí  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Minh Đức  Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, ông Nghiêm Sỹ Minh  Cục phó Cục 3 Thanh tra Chính phủ, ông Cao Văn Quang  Phó Chánh Thanh tra tỉnh, và ông Lê Văn Thư  Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Thành Trí giới thiệu các nội dung: 

1. Các tiểu thương đưa ra các ý kiến mới hoặc bổ sung (nếu có) 
2. Các ngành chức năng thông báo kết quả rà soát qua tiếp xúc với các tiểu thương vào ngày 14/8
3. Người chủ trì buổi đối thoại, ông Nguyễn Thành Trí, nêu kết luận

Đi vào nội dung thứ nhất, các tiểu thương không đưa ra các ý kiến mới, vì theo họ, trước hết cần làm rõ tính pháp lý của Quyết định 2448.

Sang nội dung thứ hai, ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường đã trình bày kết quả rà soát về Quyết định 2448, trong đó bác tất cả các ý kiến của các tiểu thương về quyết định này. Ông khẳng định quyết định này là đúng pháp luật và không ảnh hưởng tới việc buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương.

Sau phần trình bày của ông Đặng Minh Đức, ông Nguyễn Thành Trí đã nêu kết luận khẳng định Quyết định 2448 là đúng pháp luật, đồng thời, thông báo chấm dứt giải quyết thắc mắc, kiến nghị của các tiểu thương liên quan đến quyết định và tuyên bố kết thúc buổi đối thoại.

Thông báo của ông Nguyễn Thành Trí đã khiến các tiểu thương bất ngờ. Khi đó, bà Đỗ Thị Ngọc Nguyên, một trong các đại diện tiểu thương đã đứng lên đặt câu hỏi cho ông Nghiêm Sỹ Minh về một điểm trong nội dung trình bày của ông Đặng Minh Đức nhưng ông Nghiêm Sỹ Minh từ chối trả lời với lý do ông chỉ là người quan sát còn việc giải quyết là của UBND tỉnh và các ngành chức năng. 

Trong một động thái nhanh chóng tiếp theo, các đại diện của chính quyền đã rời sân khấu hội trường và ra về, bất chấp lúc đó một trong hai người đại diện theo ủy quyền là chị Nguyễn Trang Nhung đề nghị có ý kiến.

Buổi làm việc kết thúc sau chừng 30 phút (từ 14h10 đến 14h45) không có biên bản theo thủ tục thông thường. Dù vậy, các tiểu thương đã tự lập một biên bản để ghi lại nội dung buổi làm việc với chữ ký của các đại diện (chúng tôi sẽ đưa biên bản này lên blog trong post kế tiếp).

Có thể nói, buổi đối thoại đã không diễn ra theo đúng tinh thần đối thoại. UBND tỉnh đã "đối thoại" một chiều và hành xử áp đặt, chộp giật, và vô trách nhiệm.

Mặc dù UBND tỉnh đã thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các tiểu thương dừng lại những gì đang thực hiện để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Hồ sơ Long Khánh sẽ còn được viết tiếp.

Sài Gòn, ngày 30/09/2013
Nhóm Hồ Sơ Long Khánh

Phạm Lê Vương Các và các tiểu thương chợ Long Khánh nán lại tại hội trường thư viện tỉnh Đồng Nai, sau buổi "đối thoại" chừng 30 phút do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Giấy mời tham dự đối thoại do UBND tỉnh Đồng Nai gửi bà Đỗ Thị Ngọc Nguyên, một trong các đại diện tiểu thương

Wednesday, September 11, 2013

Chợ Long Khánh mới liệu có an toàn?

Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai bán đấu giá quyền sử dụng đất chợ Long Khánh vào năm 2008, chợ đã được xây mới. Nay chợ đã được xây xong. Theo kế hoạch, UBND thị xã Long Khánh sẽ tổ chức cho các tiểu thương trước đây kinh doanh tại chợ cũ (và hiện đang kinh doanh tại chợ tạm) bốc thăm vào chợ mới.

Tuy nhiên, chất lượng công trình là một vấn đề đáng lo ngại khi những hình ảnh sau đây cho thấy rõ những vết rạn nứt ở mái chợ cùng với những vết chắp vá. Liệu chợ có an toàn? Và liệu các tiểu thương có thể yên tâm làm ăn sau khi vào chợ mới hay không? 

Hình ảnh do bạn đọc blog Hồ Sơ Long Khánh cung cấp.

Nhóm Hồ Sơ Long Khánh
Liên hệ: hosolongkhanh@gmail.com