Thursday, July 18, 2013

Tóm tắt vụ tranh chấp đất đai tại chợ Long Khánh

Chợ Long Khánh, thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, được di dời từ chợ Xuân Lộc cũ, thuộc thị trấn Xuân Lộc vào năm 1980 (đất chợ Xuân Lộc khi đó được dùng để xây dựng nhà hát, nay là công viên bia chiến thắng).

Hàng trăm hộ tiểu thương ở chợ cũ khi di dời sang chợ mới phải tự san lấp mặt bằng, đóng tiền góp vốn để nhận diện tích đất và làm cơ sở hạ tầng. Mỗi hộ tiểu thương phải tự xây dựng nhà phố chợ, ki-ốt độc lập theo mô hình thiết kế của UBND thị trấn, huyện vào các năm 1987 – 1990. 

Do tin tưởng vào chính quyền địa phương đồng thời không nắm được các thủ tục pháp lý cần thực hiện để được công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ tiểu thương đã không đòi hỏi giấy tờ gì từ chính quyền địa phương từ năm 1980 đến khi có tranh chấp vào năm 2008. Dù vậy, họ có các giấy tờ cho thấy họ đã sử dụng trực tiếp đất chợ một cách ổn định, đúng mục đích trong thời gian dài.

Vào năm 1992, UBND huyện Long Khánh đã ra quyết định hành chính về việc thành lập Ban Quản lý chợ với chức năng như tên gọi. 

Vào năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định 2448 về việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý chợ mà không thu hồi đất từ các hộ tiểu thương, đồng thời không thông báo cho các hộ tiểu thương được biết. Quyết định này đã vi phạm Điều 21 Luật đất đai 1993 (lúc đó đang có hiệu lực thi hành), rằng "Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó."

Vào năm 2008, các hộ tiểu thương mới biết được Quyết định 2448 khi UBND tỉnh bán đấu giá quyền sử dụng đất chợ Long Khánh để xây mới mà không thu hồi đất từ các hộ tiểu thương. Sở dĩ như vậy, theo chính quyền địa phương, là vì UBND tỉnh đã giao đất cho Ban Quản lý chợ nên nay thu hồi từ Ban Quản lý chợ.

Quyết định 2448 đã đẩy các hộ tiểu thương vào tình trạng gần như mất tất cả. Họ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên yêu cầu bồi thường đất của họ không được chấp nhận. Các yêu cầu về bố trí tái định cư và hoán đổi kiến trúc kinh doanh cũng không được đáp ứng. Họ chỉ được bồi thường nhà, công trình, tài sản gắn liền với đất trong khi khoản bồi thường này chỉ là một con số khiêm tốn (từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu). Nhiều hộ tiểu thương đã không nhận bồi thường do không chấp nhận cách giải quyết phi lý của chính quyền địa phương.

Vào năm 2010, UBND thị xã Long Khánh đã ra quyết định cưỡng chế di dời đối với các hộ tiểu thương nên họ buộc phải chuyển ra kinh doanh tại chợ tạm.

Vào tháng 4 năm 2013, chợ mới đã được xây xong. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tổ chức bốc thăm cho các hộ tiểu thương để vào kinh doanh tại chợ mới. Trong khi đó, để vào kinh doanh tại chợ mới, họ phải bỏ tiền thuê ki-ốt với giá chừng 250 triệu cho ki-ốt 12m2.

Trước những quyết định và những việc làm sai trái của chính quyền địa phương, các hộ tiểu thương đã kiến nghị, khiếu nại nhiều lần, nhiều nơi trong 5 năm qua, kể từ năm 2008. Một số hộ đã bỏ cuộc, một số hộ vẫn kiên trì cho đến hôm nay. Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tới vụ việc đã tham gia thời gian đầu nhưng về sau đã dừng lại vì những nguyên do nào đó.

Dù vậy, những người trụ lại vẫn quyết tâm theo đuổi mục đích của họ, đó là đòi lại những quyền lợi hợp pháp của mình đã bị tước đoạt, nhằm có thể tiếp tục nguồn mưu sinh.

Nhóm Hồ Sơ Long Khánh

Liên hệ: hosolongkhanh@gmail.com

2 comments:

  1. nhanh chống tiện lợi với app iura ứng dụng cho luật hót nhất hiện nay
    chi tiết tại https://iura.vn/tai-ung-dung/

    ReplyDelete
  2. để hỏi đáp vấn đề tranh chấp bằng ứng dụng điện thoại app iura
    https://iura.vn

    ReplyDelete